Singapore là một trong những điểm đến kinh doanh - du lịch hàng đầu, nhờ phát triển khoa học công nghệ cùng danh hiệu thành phố thông minh nhất thế giới.
Covid-19 hai năm qua đã ảnh hưởng đến nền kinh tế - xã hội chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Song với Singapore, đây lại thách thức nhưng cũng mở ra cơ hội để đảo quốc nắm bắt, thúc đẩy đổi mới và sáng tạo cả trong lĩnh vực công nghệ lẫn đời sống kinh tế - xã hội.
Năm 2021 ghi dấu nhiều thành tựu nổi bật của đảo quốc sư tử khi lần thứ ba được vinh danh là thành phố thông minh nhất thế giới. Bên cạnh đó, quốc gia này cũng liên tục đóng góp những giải pháp cải tiến về mặt công nghệ, là một trong những nước sớm mở cửa lại biên giới, hồi phục kinh tế...
Thành phố thông minh nhất thế giới
Bảng xếp hạng chỉ số thành phố thông minh Smart City Index 2021 có sự góp mặt của 118 thành phố trên toàn thế giới. Định nghĩa thành phố thông minh dùng để chỉ các đô thị ứng dụng công nghệ nhằm tăng cường lợi ích và giảm bớt nhược điểm của quá trình đô thị hóa. Chỉ số thành phố thông minh được đánh giá dựa trên ý kiến của cư dân các thành phố về cách công nghệ đã cải thiện cuộc sống của họ như thế nào.
Vượt mặt 17 đối thủ, Singapore tiếp tục được vinh danh thành phố thông minh nhất thế giới với hàng loạt thành tựu ứng dụng công nghệ hiện đại. Những ứng viên "nặng ký" khác trong danh sách, vươn lên top đầu trong năm nay gồm có Zurich (Thụy Sỹ), Oslo (Na Uy), Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc)...
Tiến sĩ Bruno Lanvin, Chủ tịch Ban giám sát thành phố thông minh IMD cho biết Singapore được đánh giá cao nhờ các chính sách áp dụng cho cả cấp thành phố lẫn quốc gia. Trong đó, các dịch vụ chính phủ điện tử, giáo dục và chiến lược đô thị hóa của đảo quốc luôn lấy con người làm trọng tâm.
Theo nhóm nghiên cứu chỉ số thành phố thông minh năm nay, kết quả khảo sát cho thấy mối quan tâm hàng đầu trên toàn thế giới là khả năng tiếp cận nhà ở với giá cả phải chăng. Với tác động từ Covid-19, chất lượng không khí và dịch vụ y tế tốt hơn đã dần trở thành ưu tiên hàng đầu tại các thành phố lớn.
Trong đại dịch, Singapore đã đạt nhiều thành tựu nhờ ứng dụng công nghệ vào việc theo dõi, truy vết tiếp xúc và xét nghiệm Covid-19 thông qua các ứng dụng TraceTogether, Safe Event Platform, SwabBot... Trong ảnh là hai người dân Singapore đang quét mã QR khai báo qua ứng dụng TraceTogether tại một trung tâm thương mại. Ảnh: Strait Times
Thành phố giữa thiên nhiên
"Thành phố giữa thiên nhiên" đã trở thành định hướng chung của đảo quốc sư tử trong những năm gần đây. Chính phủ Singapore kỳ vọng định hướng này sẽ giúp tạo nên sự cân bằng, hòa hợp với môi trường thiên nhiên song song với phát triển cơ sở hạ tầng theo chủ trương bền vững.
Singapore cũng là quốc gia châu Á đầu tiên áp dụng đánh thuế carbon. Trong thời gian tới, nước này dự kiến nâng mức thuế kết hợp đánh giá thường xuyên 5 năm một lần, hướng tới mục tiêu đưa mức phát thải ròng về 0 càng sớm càng tốt.
Về định nghĩa "thành phố trong vườn", Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng công bố vào năm 1967 rằng đảo quốc sẽ triển khai một kế hoạch biến Singapore thành "thành phố trong vườn với hoa và cây xanh, không rác thải, ngăn nắp, trật tự nhất có thể".
Kế hoạch gồm hai giai đoạn, đánh dấu khởi đầu của quá trình chuyển đổi cho Singapore, từ một thành phố ô nhiễm cao trở thành một trong những hình mẫu đô thị hiện đại "xanh bền vững" trên thế giới. Lượng cây xanh được trồng mới trong 40 năm (1974-2014) tăng từ khoảng 158.600 cây lên 1,4 triệu cây.
Đầu tháng 2/2021, Singapore tiếp tục công bố Kế hoạch Xanh 2030 (Green Plan 2030). Bản kết hoạch do 5 bộ của Singapore xây dựng với 5 chương trình trọng điểm, gồm: thành phố trong vườn, năng lượng xanh, kinh tế xanh, tương lai kiên cường và cuộc sống bền vững. "Kế hoạch xanh 2030" góp phần củng cố các cam kết của Singapore theo "Chương trình nghị sự 2030" về phát triển bền vững của Liên Hiệp quốc và Thỏa thuận Paris, hướng tới nền kinh tế không phát thải.